Khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết thì Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội về thu hút đầu tư nước ngoài so với một số nước khác như Trung Quốc, Philippine, Indonesia, Thái Lan…
Sau một thời gian gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng, tập đoàn kinh tế tư nhân do ông Đặng Thành Tâm là chủ tịch đã chủ động tái cấu trúc ở nhiều đơn vị thành viên như Kinh Bắc (KBC), Saigontel,…và dần vượt qua khó khăn trước mắt. Hiện đang có nhiều dấu hiệu kinh doanh khả quan, đặc biệt là KBC với nhiều hợp đồng, hợp tác với các đối tác nước ngoài lớn như LG. KBC cũng vừa cho biết vốn FDI đăng ký vào 11 KCN do KBC quản lý sẽ đạt 2 tỷ USD vào 2015.
Ông Đặng Thành Tâm, được biết đến như nhà lãnh đạo tiên phong trong việc thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng ở VN. Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Thành Tâm chia sẻ về tình trạng thu hút FDI và cơ hội mà Việt Nam đang có nhiều lợi thế.
Theo ông, thực trạng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện nay ra sao?
Theo đánh giá cá nhân tôi, thời gian qua kinh tế thế giới và kinh tế Asean có chuyển biến tích cực. Cụ thể, thị trướng chứng khoán tăng mạnh, điển hình là thị trường chứng khoán Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu. Việc chậm lại ở một số quốc gia không phải là xu thế chung mà chỉ là cục bộ, ngắn hạn, do một số yếu tố riêng của khu vực đó.
Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có chậm lại do một số nguyên nhân khách quan chủ yếu do sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế của VN, đã gây ra một số sự cố ở một số KCN phía Nam và Hà Tĩnh. Sau đó kẻ xấu lợi dụng làm ảnh hưởng không tốt đến môi trường thu hút đầu tư nước ngoài vào VN.
Tuy vậy, với sự can thiệp kịp thời và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đã làm các nhà đầu tư tin tưởng và việc thu hút đầu tư đến nay đã trở lại bình thường.
Đầu tư nước ngoài vào các KCN hiện nay đã có những chuyển biến như thế nào, thưa ông?
Cơ bản diễn biến thu hút FDI đang tốt, dòng vốn FDI đã quay trở lại. Theo tôi, dường như đang chuẩn bị đón luồng đầu tư rất lớn, đặc biệt là đầu tư vào công nghệ cao, có hàm lượng chất xám cao.
Vậy điều đó có tạo nên một làn sóng mới không, thưa ông?
Chúng ta đã chứng kiến làn sóng đầu tư nước ngoài chảy vào VN từ những năm qua, dịch chuyển từ Trung Quốc qua VN; Gần đây, đã xuất hiện những dự án khổng lồ vài tỷ USD, dự án với doanh số xuất khẩu vài chục tỷ USD như Sam Sung và LG là hai nhà sản xuất điện tử lớn nhất thế giới,…Điều đó chứng tỏ môi trường đầu tư của VN hiện nay là rất tốt.
Hiện nay các yếu tố vĩ mô của VN đang khá tốt như tăng trưởng GDP từ dưới 5,2% quý 1 đã tăng lên 6,19% vào quý 3 (dự báo năm 2015 trên 6.2%). Lãi suất cho vay ở nhiều ngân hàng dưới 10%/năm, lạm phát chưa đến 3%, tỷ giá hối đoái ổn định và dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay…
Các điều kiện cơ sở hạ tầng như đường xá, điện nước, cơ sở hạ tầng xã hội như bệnh viện, trường học, trình độ công nhân đã cở bản đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư. Nếu không thì nhà đầu tư công nghệ cao không thể quyết định đầu tư nhiều tỷ USD vào VN như vậy!
Khi TPP được ký kết thì Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội về thu hút đầu tư nước ngoài, do các nước cạnh tranh với VN như Trung Quốc, Philippine, Indonesia, Thái Lan, Myanma đều chưa được tham gia.Do vậy, càng nhiều nhà đầu tư sẽ vào VN hơn nữa để thuê đất xây dựng nhà máy, bởi hàng hóa của họ sản xuất sẽ không bị đánh thuế nhập khẩu vào các nước TPP. Hơn nữa, đây là thị trường mậu dịch tự do cả tỷ dân, lớn nhất thế giới như Hoa Kỳ, Nhật, Canada, Mexico, Úc, Newzealand…
Do vậy, sẽ thực sự bùng nổ làn sóng đầu tư nước ngoài vào VN.
Vậy, chúng ta có cơ hội và lợi thế gì so với các nước?
Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam nắm bắt và qua đó kinh tế sẽ tăng trưởng ben vung, thị trường bất động sản cũng không còn ngủ đông nữa mà bắt đầu ấm dần, thị trường chứng khoán sẽ đột phá nhảy vọt trong năm 2015. Từ đó kéo theo dòng vốn đầu tư gián tiếp FII đổ vào thị trường chứng khoán. Chính phủ cũng sẽ cổ phần hóa nhiều DN nhà nước thành công vừa tạo thêm nguồn thu ngân sách vừa tạo ra nhiều hàng hóa đa dạng hơn cho thị trường hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam và Hòa Kỳ cũng làm các nhà đầu tư, quỹ đầu tư yên tâm,…vì vậy, hiện nay có nhiều quỹ đầu tư lớn từ Mỹ qua Việt Nam tìm hiểu. Tôi đã thấy nhiều cán bộ cấp cao của các tổ chức tài chính quốc tế, thậm chí là chủ tịch quỹ trực tiếp đến làm việc và thị sát thực tế. Chẳng hạn như doanh nghiệp chúng tối hàng tuần đều tiếp đón vài đoàn quỹ đầu tư, chủ tịch, Tổng Giám đốc các quỹ đầu tư, và họ đều rất quan tâm tới Việt Nam.
Việt Nam cũng có rất nhiều lợi thế như vị trí địa lý, nhân công rẻ có kỹ năng và cần cù, chính trị ổn định, tỷ giá ổn định, lãi suất thấp
Về quan hệ quốc tế, nước ta luôn đa phương và đa dạng hóa với các nước nên hàng hóa sản xuất từ Việt Nam được ưa chuộng trên thế giới mà không bị kỳ thị nên tiêu thụ tốt.
Một điểm hết sức tích cực khiến đầu tư vào VN sẽ bùng nổ đó là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam –EU sẽ được ký sớm và TPP sẽ được ký vào đầu năm 2015 tạo ra khu vực mậu dịch tự do rộng lớn và Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất.
Từ đó sẽ đón dòng đầu tư FDI và gián tiếp FII rất lớn trong năm tới.
Vậy doanh nghiệp của ông đã nắm bắt được những cơ hội này?
KBC đã tái cấu trúc khá thành công, thoái vốn khỏi đầu tư ngoài ngành, bộ máy tinh ngọn, năng động và chuyên nghiệp đã đem lại kết quả kinh doanh khá tốt….
Đến nay KBC vẫn dẫn đầu về phát triển KCN và thu hút đầu tư điển hình cả nước với 9 cờ thi đua xuất sắc dẫn đầu mỗi năm từ năm 2005, mà ở Việt Nam chưa có DN nào có được.
KBC đã thu hút dòng vốn FDI rất tốt thời gian qua. Chẳng hạn như LG đã đầu tư nhà máy 1,5 tỷ USD tại KCN Tràng Duệ, Hải Phòng,…kéo theo các nhà máy vệ tính khác. Mới đây, Tổng Giám đốc KBC đã ký bản nghi nhớ với tập đoàn LGE sẽ mở rộng đầu tư, thuê thêm đất tại KCN Tràng Duệ, với tổng giá trị ước tính đạt khoảng 650 tỷ đồng…
KBC ngoài việc thu hút đầu tư còn tập trung công tác chuẩn bị để luôn có sẵn quỹ đất lớn đón nhà đầu tư nước ngoài với chi phí giá thành thấp. Đây là lợi thế rất lớn của KBC trong nhiều năm tới, KBC đã cơ bản sẵn sàng quỹ đất đủ để hoạt động ổn định bền vững trong 10 năm.
Xin cám ơn ông!
-Theo Infonet-